5
/
5
(
10
bình chọn
)
Mỹ phẩm hữu cơ là gì? Đó có phải là mỹ phẩm tự nhiên không? Mỹ phẩm hữu cơ có gì giống và khác với mỹ phẩm tự nhiên? Bài viết này của mình sẽ giải đáp các thắc mắc đó
Mỹ phẩm tự nhiên là gì?
Thành phần của mỹ phẩm tự nhiên
Mỹ phẩm tự nhiên là các loại mỹ phẩm có thành phần từ các nguyên liệu tự nhiên, bao gồm cả động vật và thực vật. Các loại thực vật được sử dụng trong mỹ phẩm rất phong phú: Trà xanh, nha đam, các loại tinh dầu, chiết xuất thực vật… Một số sản phẩm từ động vật có thể xuất hiện trong mỹ phẩm là: Sữa bò, nhau thai cừu, nhớt ốc sên… Như vậy, chỉ cần chứa một hay nhiều loại thực vật hoặc sản phẩm từ động vật, một sản phẩm sẽ được coi là mỹ phẩm tự nhiên.
Tuy nhiên, ngoài các thành phần tự nhiên, sản phẩm đó vẫn có thể chứa các thành phần “phi tự nhiên”. Đó có thể là chất tạo màu, chất tạo mùi, chất bảo quản tổng hợp do con người tạo ra. Không ít “mỹ phẩm tự nhiên” còn chứa các “chất xấu” với làn da và sức khỏe. Thường gặp nhất trong số đó là nhóm paraben, sulfate, formaldehyde, cồn xấu…
Khi mua mỹ phẩm, một trong những câu nói mình thường được nghe nhất từ nhân viên bán hàng là “Sản phẩm này bên em có thành phần tự nhiên” hoặc “hoàn toàn từ thiên nhiên”. Điều đó giống như một sự đảm bảo cho tính an toàn của sản phẩm. Tuy nhiên, chính các bạn nhân viên bán hàng nhiều khi cũng không thể hiểu hết bảng thành phần của sản phẩm.
Chứng nhận cho mỹ phẩm tự nhiên
Với đa số mỹ phẩm tự nhiên, một vài thành phần thật sự tự nhiên sẽ được viết to, in đậm lên bao bì sản phẩm nhằm thu hút khách hàng. Trong khi đó, các “chất xấu” nhân tạo thường đứng ở giữa hoặc cuối bảng thành phần. Người mua khó lòng biết được trong sản phẩm có bao nhiêu phần trăm tự nhiên và bao nhiêu phần trăm “phi tự nhiên”.
Mỹ phẩm tự nhiên phục vụ lợi ích của ai?
Giống như nhiều sản phẩm khác trên thị trường, mỹ phẩm tự nhiên phục vụ lợi ích của:
+ Người bán: Nhà sản xuất, nhà phân phối…
+ Người mua: Mỹ phẩm tự nhiên giúp người mua được sử dụng mỹ phẩm an toàn và hiệu quả
Nhiều thương hiệu mỹ phẩm tự nhiên không phục vụ lợi ích môi trường.
Mỹ phẩm hữu cơ là gì?
Thành phần của mỹ phẩm hữu cơ
Mỹ phẩm hữu cơ là mỹ phẩm có thành phần từ các nguyên liệu hữu cơ. Bạn có thể tham khảo bài viết “Làm sao để mua được mỹ phẩm thực sự hữu cơ”. Theo đó, mỹ phẩm hữu cơ chứa thành phần đáp ứng các tiêu chí:
Không sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, phân bón tổng hợp, phụ gia thực phẩm tổng hợp, dung môi công nghiệp, chiếu xạ…
Thúc đẩy cân bằng sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường…
Hoặc như trong bài “Loạn thực phẩm hữu cơ tự phong” đã viết: “Nông nghiệp hữu cơ cấm sử dụng thuốc trừ sâu bệnh tổng hợp, thuốc kháng sinh, phân bón tổng hợp, sinh vật biến đổi gene, hormone tăng trưởng, mà hướng đến mục đích cho sự bền vững, tăng cường độ phì của đất và sự đa dạng sinh học…”
Chứng nhận cho mỹ phẩm hữu cơ
Để dễ hiểu hơn về khái niệm “chứng nhận hữu cơ”, bạn hãy nhớ tới các kỳ thi học sinh giỏi trước đây. Để được chứng nhận là học sinh giỏi cấp quận hoặc thành phố, học sinh sẽ phải vượt qua một “đề thi cấp cao”. Nếu vượt qua được, học sinh đó không chỉ là học sinh giỏi cấp trường, mà còn được công nhận là học sinh giỏi cấp quận hoặc thành phố.
Mỹ phẩm hữu cơ cũng vậy. Để được chứng nhận là mỹ phẩm hữu cơ, các sản phẩm này sẽ phải vượt qua một “đề thi cấp cao”. “Đề thi” này chính là bộ quy tắc nghiêm ngặt mà các tổ chức chứng nhận hữu cơ đã đưa ra. Nếu vượt qua được, sản phẩm ấy không chỉ là mỹ phẩm tự nhiên, mà còn được công nhận là mỹ phẩm hữu cơ. Các chứng nhận hữu cơ phổ biến nhất là: USDA, NATURE, Ecocert, NSF, JAS…
Có thể hiểu ngắn gọn, mỹ phẩm hữu cơ chính là mỹ phẩm tự nhiên nhưng cao cấp hơn.
Mỹ phẩm hữu cơ phục vụ lợi ích của ai?
Người bán: Nhà sản xuất, nhà phân phối…
Người mua: Mỹ phẩm tự nhiên giúp người mua được sử dụng mỹ phẩm an toàn và hiệu quả
Đây cũng là ưu điểm vượt trội của mỹ phẩm hữu cơ so với mỹ phẩm tự nhiên thông thường.
Giống và khác nhau giữa mỹ phẩm hữu cơ và mỹ phẩm tự nhiên
Giống nhau
Như mình đã nói ở phần “Mỹ phẩm hữu cơ là gì”, đó chính là mỹ phẩm tự nhiên nhưng cao cấp hơn. Điểm giống nhau giữa mỹ phẩm hữu cơ và mỹ phẩm tự nhiên là đều có thành phần tự nhiên.
Bạn lưu ý: Khi nói tới việc mỹ phẩm hữu cơ là gì, nhiều người thường lầm tưởng đó là chính mỹ phẩm tự nhiên “không hơn không kém”. Thực tế, mỹ phẩm hữu cơ cũng là mỹ phẩm tự nhiên. Nhưng mỹ phẩm tự nhiên chưa chắc đã là mỹ phẩm hữu cơ.
Khác nhau
Sau khi biết mỹ phẩm hữu cơ là gì, hẳn bạn cũng thấy rằng mỹ phẩm hữu cơ đem lại nhiều lợi ích cho môi trường sống hơn mỹ phẩm tự nhiên thông thường.
Hữu cơ Tự nhiên
Thuốc trừ sâu Không cho phép Cho phép
Sinh vật biến đối gen Không cho phép Cho phép
Kháng sinh Không cho phép Cho phép
Hóoc-môn tăng trưởng Không cho phép Cho phép
Bùn và chiếu xạ Không cho phép Cho phép
Động vật được chăm sóc Có Không
Bò được yêu cầu chăn thả tự nhiên trên đồng cỏ Có Không
Ô nhiễm môi trường ở mức thấp Có Không cần thiết
Kiểm soát quy trình “từ nông trại tới bàn ăn” Có Không
Yêu cầu chứng nhận, kiểm tra Có Không
Giới hạn pháp lý đối với các nguyên liệu cho phép Có Không
Qua bảng trên, bạn có thể thấy, mỹ phẩm hữu cơ nói không với những yếu tố gây hại cho con người và môi trường sống. Đó là thuốc trừ sâu, sinh vật biến đổi gen, kháng sinh, hóoc-môn tăng trưởng… Trong khi đó, mỹ phẩm tự nhiên phi hữu cơ vẫn cho phép những yếu tố này.
Hãy tưởng tượng: Mỹ phẩm bạn đang dùng có chứa thành phần nước táo.
Nếu đó là mỹ phẩm tự nhiên: Thành phần nước táo đó có thể được lấy từ trái táo biến đổi gen hoặc phun thuốc trừ sâu. Điều này có thể gây hại cho người dùng
Nếu đó là mỹ phẩm hữu cơ: Thành phần nước táo có thể được lấy từ trái táo hữu cơ. Trái táo đó không bị biến đổi gen, không bị ảnh hưởng của thuốc trừ sâu; an toàn cho người sử dụng
Như vậy, cùng là một loại mỹ phẩm chứa thành phần nước táo, nhưng ảnh hưởng với người sử dụng lại khác nhau. Nước táo là thành phần tự nhiên, nhưng trong một số trường hợp, đó lại là thành phần “tự nhiên mà không tự nhiên”. Nguyên nhân gây ra điều này do quy trình nuôi trồng và sản xuất có sự can thiệp của các yếu tố “phi tự nhiên”
Mình đã từng nói tới điều này trong bài viết “10 lợi ích của mỹ phẩm hữu cơ cho bạn và gia đình”
Phân biệt mỹ phẩm hữu cơ với mỹ phẩm tự nhiên
Để mua được mỹ phẩm thật sự hữu cơ, bạn hãy căn cứ vào 2 yếu tố:
Bao bì sản phẩm
Việc nhận biết mỹ phẩm hữu cơ là gì và đọc nhãn chính sản phẩm rất quan trọng. Mỹ phẩm hữu cơ quy định: Trên nhãn chính của sản phẩm phải dán logo chứng nhận hữu cơ mà sản phẩm đó đã nhận được. Logo đó có thể là:
USDA: Chứng nhận hữu cơ của Bộ Nông nghiệp Mỹ, Ủy ban hữu cơ quốc gia.
QAI: Chứng nhận hữu cơ của Quality Assurance International (QAI) – tổ chức đã được Bộ Nông nghiệp Mỹ ủy nhiệm.
ACO: Chứng nhận hữu cơ của Australian Certified Organic (ACO) – cơ quan chứng nhận lớn nhất của Úc về sản phẩm hữu cơ và năng lượng sinh học.
OFC: Chứng nhận hữu cơ của Organic Food Chain (OFC) – cơ quan được quản lý bởi Chính phủ Úc, Bộ Nông nghiệp và Tài nguyên Nước
NATURE: Chứng nhận hữu cơ của Nature – Tổ chức cấp chứng nhận được ra đời vào mùa thu năm 2007 bởi nhà sản xuất mỹ phẩm tự nhiên và hữu cơ đầu tiên và cũng là lớn nhất tại châu Âu
AUS-QUAL: Chứng nhận hữu cơ của Bộ Nông nghiệp Úc, đánh giá hệ thống quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm cho các sản phẩm của ngành nông nghiệp và chế biến.
Bảng thành phần
Các thành phần hữu cơ phải được ghi chú rõ ràng bằng một trong các cách sau:
Có chữ “Organic” trước tên thành phần. Ví dụ: Organic lavender extract, organic beeswax…
Có dấu * trước tên thành phần. Ví dụ: *lavender extract, *beeswax…
* = organic ingredients
Các loại mỹ phẩm tự nhiên sẽ không có 2 yếu tố trên: Không có logo chứng nhận hữu cơ trên bao bì, và không có ký hiệu hữu cơ trong bảng thành phần.
Để hiểu rõ hơn về cách chọn mua mỹ phẩm hữu cơ, bạn có thể tham khảo bài viết “Cách chọn mua mỹ phẩm hữu cơ tốt và phù hợp với bạn”
Xu hướng “dịch chuyển” từ tự nhiên sang hữu cơ
Đa số mọi người sau khi biết mỹ phẩm hữu cơ là gì đều có xu hướng ưu tiên lựa chọn mỹ phẩm hữu cơ vì những lý do sau đây:
Mỹ phẩm hữu cơ giúp phục hồi da
Như mình đã nói ở trên, trong mỹ phẩm tự nhiên, ngoài các thành phần tự nhiên có thể còn có các thành phần “phi tự nhiên”. Trong đó có cả các loại hóa chất nhân tạo. Các loại hóa chất này có thể giúp làm đẹp da tức thời. Ví như giúp da mềm hơn, mượt hơn, trắng hơn… Nhưng về lâu dài, các hóa chất này khiến da “xuống cấp” và gây hại cho sức khỏe nói chung.
Trong khi đó, mỹ phẩm hữu cơ chứa thành phần tự nhiên và không hóa chất độc hại. Nhờ đó, da được bổ sung dưỡng chất tự nhiên an toàn, giúp phục hồi da, giúp da khỏe hơn. Nếu bạn là người thường xuyên sử dụng mỹ phẩm, hãy chọn mỹ phẩm hữu cơ. Nhờ vậy, ngay cả khi bạn dùng mỹ phẩm trong thời gian dài, da bạn cũng không bị tác động xấu của hóa chất.
Với cá nhân mình, biết rõ mỹ phẩm hữu cơ là gì và lợi ích của chúng đã mở ra một “cuộc cách mạng” trong việc dưỡng da. Mình có nhiều lựa chọn an toàn hơn khi dùng mỹ phẩm.
Từ “ăn uống sạch” đến “làm đẹp sạch”
Một số bạn không biết mỹ phẩm hữu cơ là gì nhưng có thể đã từng nghe tới thực phẩm hữu cơ.
Việc dùng mỹ phẩm hữu cơ có thể xuất phát từ thói quen dùng thực phẩm hữu cơ. Để tránh các loại rau củ quả hoặc thịt động vật bị nhiễm hóa chất, các bà nội trợ thường chọn thực phẩm hữu cơ. Dần dần, chị em không chỉ có thói quen ăn uống sạch mà còn “làm đẹp sạch”. Và mỹ phẩm hữu cơ trở thành lựa chọn lý tưởng nhất.
Với những bạn không có thói quen đọc bảng thành phần, mỹ phẩm hữu cơ là lựa chọn an toàn. Bạn không cần đọc, sản phẩm đó vẫn sẽ đảm bảo thành phần tự nhiên và an toàn cho da bạn.
Ví dụ: Mỹ phẩm có logo USDA đồng nghĩa với việc 95% thành phần có nguồn gốc hữu cơ. Bạn không bắt buộc phải biết các thành phần đó là gì
Khi được hỏi mỹ phẩm hữu cơ là gì và làm sao biết được đâu là mỹ phẩm hữu cơ, mình thường nói tới có 3 yếu tố quan trọng
Sản phẩm đó được chứng nhận hữu cơ gì: USDA, Ecocert, JAS…?
Sản phẩm đó có bao nhiêu % tự nhiên, bao nhiêu % hữu cơ
Thành phần nào trong sản phẩm có nguồn gốc hữu cơ, thành phần nào phi hữu cơ?
Trào lưu dùng sản phẩm dán nhãn “organic”
Vài năm trước đây, nhiều người tiêu dùng có thể không biết mỹ phẩm hữu cơ là gì? Organic là gì? Nhưng hiện nay, việc dùng mỹ phẩm hữu cơ – organic ngày càng trở thành trào lưu tại Việt Nam. Nhờ đó, các sản phẩm có nhãn ghi “organic”, “hữu cơ”, “eco”, “bio”… thường được ưu tiên lựa chọn. Người tiêu dùng “có cảm giác” những sản phẩm này an toàn và thân thiện với môi trường hơn.
Nhiều người sau khi hiểu mỹ phẩm hữu cơ là gì đã không thể đứng ngoài trào lưu “lành mạnh” này. Vì vậy, nhiều nhà sản xuất đã nghiên cứu và cho ra đời thêm sản phẩm mới được sản xuất theo hướng hữu cơ.
Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Bến Tre là một ví dụ. Bên cạnh các sản phẩm thông thường, công ty này đã có thêm sản phẩm nước dừa hữu cơ được chứng nhận USDA.
Tuy vậy, bạn lưu ý rằng, không phải sản phẩm nào có chữ “organic” trên nhãn cũng là sản phẩm hữu cơ. Đôi khi, chữ “organic” trên nhãn chỉ có vai trò là “thuật ngữ tiếp thị”, giúp thu hút người dùng. Muốn biết một sản phẩm có phải hữu cơ thật hay không, bạn cần kiểm tra thương hiệu, chứng nhận hữu cơ và bảng thành phần.
Nhược điểm của mỹ phẩm hữu cơ so với mỹ phẩm tự nhiên
Sau khi biết mỹ phẩm hữu cơ là gì, mình đã chuyển hẳn sang dùng các sản phẩm hữu cơ. Mình nhận thấy dù mỹ phẩm hữu cơ an toàn hơn so với mỹ phẩm thông thường nhưng vẫn có một số nhược điểm sau:
– Hiệu quả chậm hơn do không có tác động của hóa chất
– Giá thành đắt hơn. Ví dụ: Cùng là chất tạo mùi nhưng chất tạo mùi trong mỹ phẩm hữu cơ có nguồn gốc từ các loại tinh dầu tự nhiên. Còn chất tạo mùi trong mỹ phẩm tự nhiên có thể là hóa chất tổng hợp. Giá thành tinh dầu tự nhiên luôn cao hơn so với hóa chất tổng hợp
– Khó mua hơn. Điều này đúng với thị trường Việt Nam ở thời điểm hiện tại. Khái niệm mỹ phẩm hữu cơ mới được phổ biến vài năm gần đây nên chưa có nhiều đơn vị phân phối chính thức mỹ phẩm hữu cơ. Bạn có thể nhờ người quen ở nước ngoài chuyển về hoặc mua hàng xách tay ở nơi uy tín. Bạn cũng có thể mua từ các sàn thương mại điện tử. Cá nhân mình hay mua qua Fado
Có nên bỏ tự nhiên – theo hữu cơ?
Tất nhiên là không. Vì “bỏ tự nhiên – theo hữu cơ” là suy nghĩ phiến diện.
Bạn chỉ nên “bỏ tự nhiên” khi sản phẩm đó ngoài thành phần tự nhiên còn chứa cả hóa chất gây hại. Với các sản phẩm có thành phần thật sự tự nhiên, bạn vẫn nên lựa chọn. Hoặc nếu bạn tự làm mặt nạ tươi tại nhà với 100% thành phần tự nhiên, điều đó rất tốt.
Bạn chỉ nên “theo hữu cơ” khi sản phẩm đó thực sự hữu cơ. Bạn cần kiểm tra logo chứng nhận hữu cơ trên sản phẩm. Bạn cũng nên dùng sản phẩm chứa phần lớn thành phần hữu cơ. Với sản phẩm chỉ chứa “chút xíu” hữu cơ, còn lại là phi hữu cơ, bạn cần cân nhắc.
Mộc Tâm Phương