Ngày nay, kinh doanh mỹ phẩm đang được nhiều người lựa chọn để khởi nghiệp nhất là khi xã hội ngày một phát triển, nhu cầu làm đẹp của chị em phụ nữ cũng theo đó tăng lên. Tuy nhiên bên cạnh các shop bán hàng chính hãng, có thương hiệu thì rất nhiều cá nhân vì lợi nhuận trước mắt mà bất chấp sản xuất, rao bán mỹ phẩm giả, không rõ nguồn gốc gây hoang mang trong dư luận và để lại hậu quả nặng nề cho người tiêu dùng.
Ồ ạt sản xuất
Khi bất ngờ kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện hàng loạt cơ sở sản xuất mỹ phẩm giả ‘đội lốt’ hàng xách tay. Điều đáng nói, với nhiều chủng loại, mẫu mã phong phú hầu hết được dán nhãn của những thương hiệu nổi tiếng trên thế giới., mỹ phẩm không rõ nguồn gốc hiện đang được bán tràn lan khắp nơi từ các tiệm làm tóc, shop bán mỹ phẩm, quần áo cho tới các chợ lớn, nhỏ.
Mới đây, ngày 28/1, tin từ Lao động cho biết, Công an TP Móng Cái phối hợp với Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ Công an tỉnh Quảng Ninh đã bất ngờ kiểm tra kho do Zhong Dao Pinh thuê của Công ty cổ phần khách sạn Hồng Vận, Móng Cái, phát hiện hàng loạt mỹ phẩm kèm theo tem nhãn mác sản phẩm có dấu hiệu giả mạo.
Tại hiện trường, cơ quan điều tra đã thu giữ 31.408 chai mỹ phẩm gắn nhãn mác một số thương hiệu nước ngoài; 200 kg nguyên liệu sản xuất mỹ phẩm, 40 kg tem chống hàng giả và 200 kg giấy giới thiệu sản phẩm được nghi là giả mạo.
Tại cơ quan điều tra, Zhong Dao Pinh khai nhận toàn bộ số mỹ phẩm thành phẩm và số nguyên liệu, bao bì, nhãn mác… trực tiếp mua tại tỉnh Quảng Châu, Trung Quốc. Đồng thời, cũng đặt in tại Trung Quốc tem giả theo mẫu tem chống hàng giả của Viện Khoa học hình sự Bộ Công an Việt Nam phát hành.
Sau đó, Pinh đã nhập lậu toàn bộ số hàng trên vào địa bàn Móng Cái và tàng trữ tại kho đã thuê của Công ty cổ phần khách sạn Hồng Vận. Với số mỹ phẩm thành phẩm, Zhong Dao Pinh dán tem chống hành giả và tiêu thụ tại thị trường Việt Nam. Còn số mỹ phẩm dưới dạng nguyên liệu, Pinh trực tiếp sản xuất, đóng gói thành phẩm mang thương hiệu Day Frost, công dụng là kem dưỡng da rồi dán tem chống hàng giả để bán ra thị trường Việt Nam.
Đây không phải là cơ sở sản xuất mỹ phẩm giả đầu tiên bị phát hiện, trước đó, ngày 4-10, Phòng Cảnh sát môi trường, Công an thành phố Hà Nội cũng đã từng phát hiện, thu giữ hàng ngàn hộp mỹ phẩm không rõ nguồn gốc tại cơ sở sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm của Công ty TNHH Thương mại quốc tế Bách Phương, có địa chỉ tại ngõ 678 Đê La Thành (Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội).
Chủ cơ sở là Đoàn Thị Dung, trú ở Hoài Đức, Hà Nội, đã không xuất trình được giấy phép sản xuất mỹ phẩm; không công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; không có giấy tờ, hóa đơn chứng minh xuất xứ của nguyên liệu dùng để sản xuất mỹ phẩm; bao bì nhãn mác của sản phẩm mà cơ sở này sản xuất đóng gói đều in chữ nước ngoài.
Tiếp tục kiểm tra, lực lượng chức năng còn phát hiện tại cơ sở này có hàng ngàn hộp mỹ phẩm làm trắng da, mỹ phẩm trị nám tàn nhang, kem ngăn ngừa nấm, kem đặc trị mụn có bao bì nhãn mác in chữ nước ngoài với tên sản phẩm là Ecolly.
Theo bà Dung khai nhận, Công ty TNHH Thương mại quốc tế Bách Phương thành lập và hoạt động từ năm 2011 và đến tháng 4-2013 bắt đầu sản xuất. Nguyên liệu để sản xuất mỹ phẩm được Dung mua trôi nổi trên thị trường Lạng Sơn, Móng Cái (Quảng Ninh) sau đó đóng thành phẩm, dán nhãn mác chữ nước ngoài, rồi đem bán cho các trung tâm chăm sóc sắc đẹp, các thẩm mỹ viện, cơ sở massage, gội đầu trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Tiền mất tật mang
Tình trạng mỹ phẩm giả đội lốt hàng hiệu trở nên quá phổ biến, kéo theo đó là những hệ lụy không ngờ mà người tiêu dùng chính là nạn nhân chịu hậu quả nặng nề nhất.
Chức năng của mỹ phẩm dùng để làm đẹp, song hàng “dỏm”, hàng nhái sẽ cho kết quả ngược lại. Chính vì vậy, chị em phụ nữ phải thận trọng khi sử dụng mỹ phẩm từ những nguồn trôi nổi, không rõ nguồn gốc. Bởi loại hàng này không được cơ quan kiểm tra thẩm định về chất lượng nên hầu hết đều không đạt chuẩn.
Những chất này ngoài gây tàn phá làn da, dị ứng da còn có thể gây bệnh cho các cơ quan khác như ảnh hưởng sự phát triển của thai nhi, có thể gây ung thư…